Tether đã ngừng in USDT trong hơn 40 ngày – Tại sao vậy?

Theo tweet từ tài khoản Mr. Whale, tăng trưởng theo đường parabol của vốn hóa thị trường stablecoin khổng lồ USDT đột nhiên dừng lại trong 40 ngày qua kể từ cuối tháng 5, cùng lúc với giá Bitcoin đang giảm xuống mức cao nhất mọi thời đại.

“Tether đã không in bất kỳ USDT nào trong hơn 40 ngày, khiến nó trở thành lần ngừng hoạt động lâu nhất kể từ cuối năm 2019 – đầu năm 2020”.

Với việc Bitcoin giao dịch trong phạm vi khoảng từ 30.000 đến 40.000 đô la kể từ đó, một loạt tin đồn mới đã được lan truyền liên kết hai sự kiện và lặp lại một phỏng đoán cũ: USDT đã ngừng pump giá Bitcoin?

Vốn hóa thị trường của USDT so với giá Bitcoin | Nguồn: Glassnode

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích và những người tham gia thị trường, việc đột ngột dừng in USDT tiết lộ rằng sự thống trị của nó đang bị đe dọa bởi ba thách thức chưa từng có kết hợp trong một cơn bão hoàn hảo để làm rung chuyển stablecoin lớn nhất trên thị trường: Các vấn đề tại thị trường Trung Quốc đã khiến các trader ở đó khó mua USDT bằng tiền fiat, một trong những đối thủ cạnh tranh hứa hẹn nhất của USDT là USDC dường như đang giành được thị phần và áp lực pháp lý trên khắp thế giới đang gia tăng.

Một nhà điều hành từ Tether thừa nhận nhu cầu đối với USDT đang giảm nhưng lập luận rằng xu hướng này không chỉ xảy ra với họ.

Paolo Ardoino, giám đốc công nghệ tại Tether, cho biết trong một phản hồi bằng văn bản thông qua người phát ngôn rằng “nhu cầu USDT thường xuyên dao động và bị nhu cầu thấp hơn ảnh hưởng trong những tuần gần đầy”, lưu ý rằng USDT không phải là stablecoin duy nhất bị ảnh hưởng bởi nhu cầu thấp hơn.

USDT

Paolo Ardoino – Giám đốc công nghệ tại Tether

Trung Quốc đàn áp tiền điện tử

Cuộc đàn áp tiền điện tử ở Trung Quốc – cả về khai thác và giao dịch Bitcoin – đã làm ảnh hưởng đến giá BTC, hiện giảm 52% xuống còn khoảng 31.421 đô la so với mức cao nhất mọi thời đại là 64.928 đô la vào tháng 4.

Nhưng một nạn nhân khác của cuộc đàn áp tiền điện tử mới ở Trung Quốc là USDT. Bởi vì thành công của stablecoin này có được phần lớn là nhờ vào các nhà đầu tư và trader Trung Quốc. Họ thường xuyên sử dụng stablecoin được chốt bằng đô la như một phương tiện on-ramp đến thị trường tiền điện tử thông qua các nhà môi giới OTC vì giao dịch fiat-to-crypto hoặc mua tài sản kỹ thuật số bằng tiền mặt do chính phủ phát hành vẫn là bất hợp pháp ở đất nước đông dân nhất thế giới.

Tháng trước, cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ hơn 1.000 người vì tội rửa tiền với cáo buộc họ đã sử dụng tiền điện tử để trốn tránh pháp luật. Hành động như vậy sẽ gây bất lợi cho những người kinh doanh qua OTC và đây cũng là lý do tại sao tăng trưởng của USDT chậm lại đáng kể ở Trung Quốc.

Annabelle Huang, một đối tác của công ty quản lý tài sản tiền điện tử Amber Group có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết:

“Rất khó thực hiện on-off ramp ở Trung Quốc để đến với tiền điện tử. Rất nhiều thương nhân OTC đã ngừng giao dịch”.

Với việc Bitcoin đang vật lộn để vượt lên trên phạm vi hiện tại từ 30.000 đến 35.000 đô la, cũng không có động lực để tiền mặt mới ở Trung Quốc tham gia vào thị trường tiền điện tử.

Rachel Lin, cựu phó chủ tịch kiêm đối tác sáng lập của công ty đầu tư tiền điện tử Matrixport có trụ sở tại Singapore, cho biết:

“Thị trường của Tether ở châu Á chủ yếu thông qua các thương gia OTC và với lượng tiền mặt ít hơn chảy vào thị trường, nhu cầu đối với USDT sẽ giảm dần”.

Công ty cho vay tiền điện tử có trụ sở tại Hồng Kông Babel gần đây đã nói rằng họ cắt giảm lãi suất đối với tiền gửi USDT vì nhu cầu suy yếu.

Tuy nhiên, người phát ngôn của Babel không cho biết lý do tại sao nhu cầu lại giảm gần đây.

Có vẻ như cuộc đàn áp của Trung Quốc đối với các hoạt động rửa tiền liên quan đến tiền điện tử vẫn đang diễn ra. Mới đây, Tạp chí Bitcoin đã đưa tin hải quan Hồng Kông đã triệt phá một tổ chức rửa tiền địa phương sử dụng tiền điện tử – cụ thể là USDT – để xử lý các khoản tiền bất hợp pháp trị giá khoảng 155 triệu đô la, cuộc đàn áp đầu tiên của loại hình này ở Hồng Kông.

Tin tức ở Hồng Kông “có thể gây áp lực cho bất kỳ bàn giao dịch nào ở Singapore và Hồng Kông xem xét lại việc giao dịch cặp USDT/USD”, Dan Burke, giám đốc quản lý bộ phận bán hàng tổ chức tại Châu Á – Thái Bình Dương tại BitGo cho biết.

USDC đang trên đà tăng trưởng

Trong khi nhu cầu về USDT dường như cạn kiệt, ngôi sao đang lên của thị trường stablecoin là USDC, một stablecoin khác được chốt giá bằng đô la Mỹ với tỷ giá 1:1 tương tự USDT do công ty dịch vụ tài chính tiền điện tử Circle cung cấp.

Circle có trụ sở tại Boston gần đây đã công bố kế hoạch niêm yết công khai thông qua hình thức SPAC, không lâu sau khi họ tiết lộ mục tiêu mở rộng USDC lên nhiều nhất 10 blockchain nữa ngoài Ethereum.

Tron, một blockchain do người có ảnh hưởng trong không gian tiền điện tử Justin Sun điều hành, là một trong số các blockchain gần đây bắt đầu hỗ trợ USDC. Theo trang web của Circle, một trong những mục tiêu để làm như vậy là “tạo điều kiện cho USDC tăng trưởng rộng rãi ở châu Á và trên toàn cầu”.

Như hiện tại, có nhiều USDT trên Tron hơn Ethereum vì các trader ở châu Á ưa chuộng blockchain cung cấp giao dịch nhanh hơn và rẻ hơn. Điều đó làm cho việc USDC gia nhập Tron trở thành một đề xuất hấp dẫn hơn.

“Tôi nghĩ USDC có cơ hội cạnh tranh trên thị trường stablecoin ở châu Á với USDT. Tôi cảm thấy ngay bây giờ thị trường stablecoin ở châu Á đang cần một cơ sở hạ tầng đa dạng và khách hàng ở châu Á đang tìm kiếm nhiều lựa chọn stablecoin hơn”, Sun cho biết.

Theo Lin, không giống như USDT, chủ yếu dựa vào kênh OTC, USDC có thể dễ dàng được các nhà đầu tư ở châu Á mua nhờ dịch vụ khách hàng có nhân viên hỗ trợ do công ty vận hành kinh doanh stablecoin Circle cung cấp.

“Làm ăn với USDC rất cởi mở. Họ thường có một người quản lý để làm việc với bạn bằng cách liên lạc qua email sau khi bạn gửi các tài liệu được yêu cầu”.

Có thể còn quá sớm để kết luận liệu USDC có đánh bại vị trí thống trị của USDT ở châu Á hay không, nhưng USDC đã chiến thắng trong một lĩnh vực nổi tiếng khác của tiền điện tử: tài chính phi tập trung.

Gần 50% nguồn cung USDC hiện bị khóa trong các hợp đồng thông minh so với 20% của USDT, theo dữ liệu từ Glassnode.

Tỷ lệ nguồn cung trong các hợp đồng thông minh của USDT so với USDC | Nguồn: Glassnode

Ryan Watkins, một nhà phân tích nghiên cứu tại Messari, cho biết:

“USDC ngày càng được sử dụng nhiều hơn cho các trường hợp thanh toán và hoạt động on-chain. Trong khi USDT chủ yếu được sử dụng để thanh toán liên sàn giao dịch và margin cho các công cụ phái sinh. Các trường hợp sử dụng này hiện đã giảm bớt khi thị trường hạ nhiệt”.

Gấu tiền điện tử và các lỗ hổng của Tether

Trở ngại thứ ba mà stablecoin lớn nhất thế giới tính theo quy mô tài sản đang phải đối mặt và cũng là một trong những vấn đề dai dẳng là danh tiếng của họ trong cộng đồng tiền điện tử.

Noelle Acheson, trưởng bộ phận chuyên sâu về thị trường của nhà môi giới tiền điện tử Genesis Global Trading cho biết:

“Thị trường tràn ngập tâm lý giảm giá và các trader đang tìm kiếm lý do. Đó là hàng loạt các FUD (sợ hãi, không chắc chắn và nghi ngờ) và lỗ hổng của Tether hầu như luôn là một phần của câu chuyện đó”.

Theo Acheson, thị trường đang “thiếu” những lời giải thích về lý do tại sao giá “suy yếu” và USDT là một mục tiêu hoàn hảo miễn là công ty đằng sau stablecoin chốt 1:1 với USD này vẫn còn mơ hồ về dự trữ của họ.

Gần đây, các cơ quan quản lý và chính phủ trên thế giới đã đặt ra nhiều câu hỏi hơn về USDT và các loại stablecoin khác. Trong phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính của Hạ viện Hoa Kỳ hôm thứ 4, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell đã trả lời câu hỏi từ Hạ nghị sĩ Anthony Gonzalez về tài sản của USDT theo tiết lộ vào tháng 5 với gần một nửa là thương phiếu không xác định.

Powell nói:

“Các thương phiếu là nghĩa vụ ngắn hạn của các công ty và hầu hết thời gian chúng là loại đầu tư rất thanh khoản. Mọi việc đều tốt. Nhưng khi đối mặt với khủng hoảng, thị trường biến mất. Và đó là lúc mọi người muốn tiền của họ. Rất đơn giản: Đây là những hoạt động kinh tế rất giống với tiền gửi ngân hàng và quỹ thị trường tiền tệ, nên chúng cần được điều chỉnh theo những cách tương đương”.

Một số tâm lý giảm giá kèm theo lo ngại về quy định được phản ánh trong sự tăng trưởng của cặp giao dịch USDC/USDT trên sàn giao dịch Binance. USDC/USDT hiện là cặp giao dịch tích cực nhất trên thị trường giao ngay bao gồm stablecoin USDC. Nói cách khác, các trader của Binance đang hoán đổi giữa USDC và USDT, có khả năng đặt cược rằng giá của USDT sẽ giảm hoặc ít nhất là vì họ tìm thấy nhiều tiện ích hơn trong USDC.

Hassan Bassiri, phó chủ tịch của công ty quản lý tài sản Arca có trụ sở tại Los Angeles, cho biết một số trader có thể đang “vay USDT và hoán đổi lấy USDC. Bạn biết USDC trị giá 1 đô la, vì vậy bạn vay USDT bằng cách hoán đổi lấy USDC. Nếu USDT không được hỗ trợ đầy đủ, bạn có thể sử dụng USDC để mua lại USDT với giá thấp hơn 1 đô la”.

Lin cho biết một điều bất lợi đối với khối lượng giao dịch gia tăng trong cặp USDC/USDT trên Binance là nhiều token vốn hóa nhỏ có sẵn trên Binance chỉ có các cặp giao dịch với USDT.

Thật vậy, AXS, token “hot” mới nhất từ ​​Axie Infinity đạt mức cao kỷ lục vào thứ 4, có sẵn trên Binance với các cặp giao dịch với USDT, BUSD và BNB, theo CoinGecko, trong khi hầu như không có cặp giao dịch AXS/USDC nào có sẵn trên các sàn giao dịch tập trung. Cặp giao dịch USDC/BUSD là một cặp giao dịch phổ biến khác trên Binance liên quan đến USDC; nó chỉ đứng sau USDC/USDT, BTC/USDC và ETH/USDC theo khối lượng giao dịch trong 24 giờ qua.

TheoBassiri, nếu các trader đang short USDT thì đó là hành động đáp lại FUD. Tuy nhiên, ông đã bác bỏ những lo ngại xung quanh stablecoin.

“USDT vẫn ổn và luôn ổn”.